BES - Tử huyệt cảm xúc
BES biết quyển “Tử Huyệt Cảm Xúc - Ma thuật thôi miên bất kỳ ai chỉ bằng lời nói” của Roy Garn này khá lâu qua những quyển sách về copywriting của Joe Vitale khi ông nhắc rất nhiều về bộ tứ tử huyệt cảm xúc của con người: tử huyệt bản thân, tử huyệt tình yêu, tử huyệt tiền bạc, tử huyệt danh tiếng. Nhân một sáng cuối tuần đi nhà sách thì vô tình bắt gặp quyển này như một cái duyên, và quyết định mua luôn không chần chừ Tử Huyệt Cảm Xúc được ví von như “gót chân Achilles” của BẠN. Trong thần thoại, Achilles là một á thần mình đồng da sắt vì từ nhỏ, anh được mẹ mình – nữ thần sông Thetis – dốc toàn bộ cơ thể anh nhúng vào nước thánh. Do bà mẹ cầm chân đứa con nhúng xuống nước, nên gót chân là bộ phận duy nhất của Achilles không được bảo vệ. Ngoài gót chân ra, không một loại vũ khí hay hỏa công nào có thể làm tổn thương được cơ thể của Achilles. Anh là một chiến binh võ nghệ cao cường, bách chiến bách thắng và chưa bao giờ nếm mùi thất bại. Vậy mà cuối cùng, người chiến binh dũng mãnh này chết tức tưởi chỉ vì một mũi tên bắn trúng ngay gót chân của mình trong cuộc chiến thành Troy đã được sử sách ghi lại. Câu chuyện về Achilles được lưu truyền và nổi tiếng đến nỗi cụm từ “Gót chân Achilles” trở thành một thành ngữ thông dụng với ý chỉ điểm yếu hoặc tử huyệt của con người. Chỉ vì gót chân tử huyệt của mình, Achilles mất mạng. Ảnh bìa của quyển sách này cũng là pho tượng của người anh hùng Achilles trong thần thoại Hy Lạp. Tử Huyệt Cảm Xúc là một quyển sách nói về những “điểm yếu chết người” trong tính cách của mỗi chúng ta. Tử Huyệt Cảm Xúc có thể giúp chúng ta đạt được hạnh phúc và thành công tột đỉnh, nhưng cũng có thể khiến chúng ta… rơi vào bi kịch như Achilles! Nếu chúng ta không nhận biết và kiểm soát được Tử Huyệt Cảm Xúc của bản thân mình, chúng ta có thể đánh mất nhiều quyền lợi, cơ hội thành công, thậm chí là hạnh phúc cả cuộc đời, tất tần tật những điều tốt đẹp nhất mình đang có… chỉ trong phút chốc! Con người chúng ta vốn dĩ là một sinh vật rất cảm tính, dù chúng ta tin rằng mình lý trí đến cỡ nào, thì trong những tình huống nhất định chúng ta lại thường hành động bằng cảm tính nhiều hơn. Thử đọc qua một ví dụ thú vị sau trong quyển sách: “Có một phụ nữ chừng 45 tuổi diện quần áo trông rất thời trang, đang trèo lên thành một cây cầu với ý định tự tử. Chỉ trong chốc lát, cảnh sát và hàng trăm người hiếu kỳ bao vây khu vực quanh cầu. Suốt hai mươi phút căng thẳng, viên cảnh sát cùng những người dân xung quanh liên tục gào thét: “Đừng nhảy!” Nhưng người phụ nữ nọ vẫn đứng trên thành cầu khóc lóc kêu than rằng mình bị chồng bỏ và lũ trẻ không còn nghe lời cô nữa. Cô không còn gì để mất. Cô ấy cởi áo khoác và chuẩn bị nhảy. Khi đó, viên cảnh sát nọ bỗng dưng yêu cầu đám đông im lặng. Ông lấy tin bịt mồm bịt mũi mình và nói với người phụ nữ đó: “Bà đã muốn nhảy thì cứ việc. Nhưng tôi nói trước là ở dưới đó nước sông hôi hám bẩn thỉu lắm đó!” Ngay sau câu nói ấy của viên cảnh sát, người phụ nữ bất ngờ ngoan ngoãn bước xuống và chạy đến bên viên cảnh sát. Cụm từ “nước sông hôi hám bẩn thỉu” đã phát huy tác dụng. Những cụm từ đơn giản đó có quyền năng gì mà đánh bại được hàng trăm lời khẩn cầu gào thét của các cảnh sát và đám đông trong việc thuyết phục người đó không tự tử nữa? Câu trả lời: chúng có khả năng Thôi Miên Cảm Xúc đối với bà ta. Chúng khiến cho bà ấy phải lắng nghe. Và khi bà ấy lắng nghe, nghĩa là chúng ta đã vượt qua được Những Mối Bận Tâm khác trong tâm trí người phụ nữ ấy và khiến bà ta đổi ý!” Hay một tình huống xử sự khôn ngoan của một đứa bé: “Mẹ của bé Sue 5 tuổi đang rất cáu. Chẳng là cô bé vừa nghịch phá đến nỗi làm vỡ một chiếc lo hoa màu xanh ngọc đắt tiền. “Con có biết là cái bình hoa đó bằng mấy chục tháng tiền lương của ba mẹ không?” – bà mẹ bắt đầu đay nghiến. “Không được lại gần đó.” – bà ấy chống tay lên hông. “Sue, đi mở ngăn kéo lấy cho mẹ cái thắt lưng của ba con. Mẹ phải đánh đòn con thì con mới chừa.” – bà mẹ quát mắng. “Mẹ sẽ làm cho mông con sưng đỏ càng lâu càng tốt, để từ rày về sau con phải luôn nhớ lời mẹ và không được làm vỡ đồ đạc trong nhà nữa. Đi mau. Lấy cho mẹ cái thắt lưng!” Cô bé hoảng sợ chạy đi. Lát sau, Sue trở lại với một cây búa. “Mẹ ơi” – cô bé khóc – “Mẹ có thể đánh con với cái này được không?” Bà mẹ nhìn cây búa, và nhìn vào đôi mắt của đứa con gái bé bỏng, rồi ngoảnh mặt đi. Người phụ nữ ấy nghẹn giọng nói: “Sue, về phòng đi con, và nhớ đừng làm vỡ đồ đạc nữa nhé!” Hình ảnh cây búa đã khơi gợi phản ứng cảm xúc nơi người mẹ, khiến bà cảm thấy có lỗi vì ý định đánh đòn con mình bằng thắt lưng dù hành động đó chưa xảy ra. Một tình huống nhỏ nhưng đủ sức thay đổi trạng thái cảm xúc của bà mẹ chỉ trong phút chốc.” Eva dụ dỗ Adam bằng lời ngon tiếng ngọt, khiến chàng không cưỡng lại và ăn trái cấm. Cuộc sống ngày nay đầy rẫy những phiên bản khác nhau của Eva, Adam và trái cấm. Nhưng điều duy nhất không đổi vẫn là sức mạnh của Thôi Miên Cảm Xúc. Nó là chìa khóa để bạn thôi miên bất cứ ai bằng lời nói và chu du vào tâm trí của người nghe. Phải nói quyển sách này có rất nhiều mẩu chuyện thú vị xoay quanh bộ tứ Tử Huyệt Cảm Xúc cùng cách vận dụng nó vào đời sống như một công cụ với quyền năng vô song để giúp bạn đạt được hạnh phúc và thành công mình mong muốn. Nếu ai đã đọc bộ sách “Phát Huy Tiềm Năng Cùng NLP”, sẽ phát hiện bí mật của Thôi Miên Cảm Xúc khá giống với nghệ thuật dẫn dắt tâm trí (Metaphor Outline) trong NLP. Và cơ sở của NLP hay Thôi Miên Cảm Xúc muốn thành công nằm ở chỗ, bạn phải có được sự chú ý của đối phương – người nghe phải chịu lắng nghe bạn, thì bạn mới có cơ hội xâm nhập vào tâm trí của họ. Kết lại bằng một câu Harry cực thích trong quyển sách và cũng luôn tâm niệm trong cách sống của mình: “Người nào có khả năng đặt mình trong hoàn cảnh của người khác, thấu hiểu được những suy nghĩ tâm tư của họ thì không cần phải lo lắng về bất kỳ điều gì của tương lai; vì người đó chắc chắn sẽ thành công.”
Xem chi tiết tại: http://www.businessebookstore.org/2018/11/tu-huyet-cam-xuc.html